Tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế và cơ sở bệnh việnY tế tuyến cơ sở luôn là nơi gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân, muốn y tế cơ sở đạt hiệu quả tốt thì một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tăng cường quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT)
Y tế tuyến cơ sở luôn là nơi gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân, muốn y tế cơ sở đạt hiệu quả tốt thì một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tăng cường quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT), đảm bảo chất lượng sử dụng và sửa chữa kịp thời cơ sở hạ tầng kỹ thuật bệnh viện. Đây cũng chính là mục đích và nội dung của Hội nghị “Tập huấn tăng cường quản lý TTBYT và cơ sở hạ tầng kỹ thuật bệnh viện” do Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Đăk Lăk; Dự án Chăm sóc Sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn II tổ chức tại Đăk Lăk trong hai ngày 28 và 29/8.

 
Sử dụng máy siêu âm màu siêu âm tim cho bệnh nhân. 

Chưa sử dụng hết tính năng hiện đại của TTBYT tại y tế tuyến cơ sở

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày nội dung công tác quản lý TTBYT, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý TTBYT và cơ sở hạ tầng kỹ thuật bệnh viện từ các chuyên gia có kinh nghiệm của nhiều bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Hội Thiết bị y tế Việt Nam...

Theo ông Hà Đắc Biên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam, TTBYT đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều thành tựu mà ngành y tế đạt được những năm qua không thể không nói tới sự đóng góp lớn của TTBYT tại các bệnh viện từ tuyến cơ sở đến Trung ương, TTBYT tại các bệnh viện tuyến cơ sở được đầu tư tốt đã bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như góp phần giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, cũng theo ông Biên, TTBYT đã được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm đầu tư trong thời gian qua nhưng tại một số cơ sở y tế tồn tại không ít tình trạng chưa sử dụng hết hiệu quả TTBYT hiện đại bởi cán bộ chưa đủ trình độ để vận hành thiết bị; Các cơ sở y tế chưa có kế hoạch chủ động xử lý, duy tu, bảo dưỡng TTBYT khiến tuổi thọ của trang thiết bị giảm, ảnh hưởng tới chất lượng khám bệnh. Vì vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng cũng như bảo đảm việc khai thác sử dụng TTBYT và cơ sở hạ tầng hiệu quả là vấn đề rất bức thiết.

Đầu tư đúng mục đích và có kế hoạch bảo trì chủ động

Lý giải nguyên nhân tại sao có tình trạng chưa sử dụng hết tính năng cũng như lúng túng không biết xử lý, bảo trì như thế nào khi có sự cố xảy ra tại y tế tuyến cơ sở, ông Trịnh Đức Nam, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng TTBYT, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại y tế tuyến cơ sở, số kỹ sư về lĩnh vực TTBYT còn mỏng, chưa nhiều. Hơn nữa, ở nhiều cơ sở y tế, tình trạng lúng túng, khi máy móc TTBYT bị hỏng chưa báo lỗi kịp thời còn xảy ra nhiều. Theo ông Nam, khi có sự cố, cơ sở y tế cần chủ động báo sớm để cơ quan quản lý xử lý, sớm đưa máy vận hành trở lại, đồng thời tại mỗi sở y tế luôn có bộ phận kỹ sư về TTBYT để giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang có những phương hướng để thu hút nhân lực và nâng cao trình độ hơn nữa cho cán bộ quản lý TTBYT để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Nam nhấn mạnh, người quản lý phải biết lên kế hoạch trước, không để đến khi TTBYT hỏng mới gọi nơi sửa chữa, bảo trì. Cần có kế hoạch chủ động, bảo dưỡng định kỳ.